Template Tin Tức Mới Nhất

Hóa ra yêu thương lại đong đầy như vậy.
Hóa ra tình cảm gia đình lại thiêng liêng như vây.
Hóa ra mất đi người thân yêu lại đau đớn đến như vậy…

 Một buổi chiều chủ nhật thảnh thơi, ăn uống qua loa, tôi ôm máy ngồi coi linh tinh, chờ thứ 4 tuần sau về ăn lễ với gia đình. Sài Gòn cứ mưa mãi không dứt, từng đợt gió ập đến, đập vào mái tôn, tôi giật mình! Trên trang chủ của facebook thì cứ load nhanh những dòng tin mới, một status của chị họ đập vào mắt tôi “Ước gì ông tỉnh dậy với con!”. Một cảm giác bất an dâng lên trong lòng, tôi chỉ nghĩ chắc là ông bệnh nằm bệnh viện thôi. Điện thoại vội về cho mẹ, một điều lạ là mẹ cứ hỏi vòng vo “Con có thi không? Khi nào thi?”. Tôi bực mình gắt “Con có thi đâu mẹ “. Mẹ im lặng vài giây rồi nói tiếp “ Vậy thì thu xếp tối nay về nhà đi, ông ngoại mất rồi “. Tay tôi co quắp lại không cầm nổi chiếc điện thoại. Tôi gào lên “ Sao mẹ không báo con, sao mẹ kỳ vậy, giờ sao? Giờ con phải làm sao?” Tôi cứ thế khóc thành tiếng. Mẹ nói “Thôi ráng bình tĩnh, thu xếp đồ rồi đổi vé tàu mà về trong đêm nay, mai ông liệm rồi”. Tôi ngồi yên ở đó khóc rất lâu. Trời vẫn mưa như thế, như thể không có dấu hiệu dứt. Sài Gòn chẳng rủ nổi lòng thương. Tôi gọi điện thoại cho con bạn thân, giọng nó vừa cất lên, tôi khóc òa lên như kiểu nắm được cái áo phao cứu trợ.

“Ông tao mất rồi ” chỉ nói được với nó một câu,
“Thôi bình tĩnh đi , mày lên mạng đặt vé tối tao qua chở ra ga”
“Ừm”. Tôi cúp máy, tay chân luống cuống thu dọn vài bộ đồ bỏ vào balo, ăn vội miếng cơm. Chưa bao giờ cơm trở nên khó nuốt như vậy, vừa ăn mà nước mắt cứ chảy ra.


Hồi đó, khi cả nhà quay quần vẫn hay nói, nếu ông ngoại mất chắc mẹ và con khóc nhiều lắm, mẹ đùa lại “Ông ngoại mày lì thế ai mà thương”. Đâu ngờ bây giờ mọi chuyện đã thành sự thật. Có tưởng tượng bao nhiêu lần đi nữa tôi cũng không ngờ nhận được tin dữ trong hoàn cảnh này.
Mẹ ơi! Sài Gòn xa lắm, Sài Gòn cách nhà mình 9 tiếng đi tàu mẹ ạ! Mẹ ơi, Sài Gòn xa lắm, con làm gì trong 9 tiếng ở trên tàu đây, con muốn về liền với ông. Mẹ ơi, 9 tiếng lâu quá, lâu quá, con chịu không nổi.

Con bạn đến trọ chở ra ga, đến ga nó đưa cho cái túi trong đó có vài cái bánh và chai nước nó mua bên đường. Tôi cầm vội vào ga, nó gọi với theo “Nhớ ăn uống rồi coi đổi vé tàu nha”. 


Vào trong ga, tôi chọn cho mình một góc, lôi cái bánh ra ăn, cắn một miếng mà nước mắt cứ chảy ra; thương con bạn , vừa tủi vừa buồn lại vừa đau. Cứ như đứa trẻ lang thang không ai bên cạnh, cảm giác lạc lõng giữa đám đông, cảm giác mình bất lực chẳng ai hiểu được những gì mình phải chịu.

Tàu chuyển bánh chầm chậm, tôi mang trong lòng một nỗi đau thấm thía, hóa ra mất đi người mình thương yêu lại đau như vậy. Hóa ra tôi cũng có lúc rơi vào cảm giác chỉ cần nghĩ đến ông là khóc, nhớ về ông lại khóc. Mọi chuyện nhanh quá, tôi cứ thấy mơ hồ, không chân thật thế nào ấy.

Sáng sớm tới nơi, tôi mệt mỏi vì cả đêm chỉ chợp mắt được một lúc. Dì và em họ đến đón tôi ở ga; nhìn gương mặt tiều tụy, hai mắt sưng đỏ vì khóc của họ, tôi hiểu tất cả là thật rồi. Ngồi kể lại cho dì nghe về cuộc điện thoại của mẹ, về tin động trời mà mẹ báo, tôi lại khóc. Dì khóc kể là hôm qua ông còn gọi dì, sáng đó trước khi mất, ông còn ăn hết chén chè, vậy mà một vài tiếng sau đã không còn trên đời này nữa. Trời ở đây vào lúc ông mất cũng mưa to như vậy, mưa gió tầm tã cứ ngỡ là bão. Chỉ có bà loay hoay tìm người gọi người khi ông nguy kịch. Tôi nghe mà xót trong lòng. Mẹ tôi, dì, chú, bác vội vã lên nhà ông bà, chỉ vài phút sau là ông nhắm mắt, xuôi tay. Tôi tưởng tượng không hết những bi thương của ngày hôm đó, tôi đo lường không được nước mắt của mọi người vào giây phút đó.


Xe về đến nhà ông, tôi vội chạy vào nhà, mẹ ngồi bên cạnh ông, tôi lao đến ôm mẹ và bật khóc thành tiếng; khóc cho những đau thương phải nén; khóc cho những tủi buồn phải chịu cả ngày hôm qua. Mẹ và bà ôm tôi khóc.Tôi không dám nhìn ông, tôi chỉ biết dựa vào lòng mẹ mà nấc lên từng tiếng; chắc cả nhà đêm qua không ngủ, chỉ mới một ngày ai cũng phờ phạt, hốc hác.

Mẹ thương ông lắm, có gì ngon mẹ cũng phần ông, mẹ kể hồi xưa đi đâu ông cũng dẫn mẹ theo. Mẹ thích gì ông cũng mua cho.

Mẹ ơi! Ông mất rồi, mẹ phải làm sao đây?

Buổi chiều ngày chôn ông, trời đẹp lắm, chẳng có lấy một giọt mưa, làng xóm đến đưa ông rất đông. Cả nhà chẳng ai muốn ông đi cả;, mẹ cứ níu quan tài lại, không cho người ta khiêng ông đi, mẹ vừa khóc vừa nói “Bố ơi, con không cho bố đi đâu hết”. Cả khung trời tràn ngập trong tiếng khóc than, tôi không biết mình rơi bao nhiêu nước mắt vào chiều hôm đó, chỉ biết là đến bây giờ ngồi viết những dòng mắt vẫn ngấn nước.
Ông ơi! Cả nhà thương ông lắm !
Ông ơi! Con thương ông lắm!…


Hóa ra mất đi người thân lại đau đớn như vậy .
Hóa ra tất cả những nỗi buồn vu vơ trước kia chỉ là vụn vặt so với nỗi mất mác này.

Đời người là kiếp luân hồi, sinh - lão - bệnh - tử. Chúng ta không thể phản kháng, không thể chống trả, chỉ có nhắm mắt và chấp nhận.
Người mới đó cười nói vui vẻ mà bây giờ chỉ còn nén hương trầm cùng di ảnh.

Có lẽ, cuộc đời của ông ở thế giới này phải khép lại
Có lẽ, khi nhìn những đứa con của mình đã trưởng thành, ông chẳng vương vấn gì kiếp này nữa.
Có lẽ, ông đã mãn nguyện để nhắm mắt, buông tay…
“Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày”
Bài hát của Trịnh Công Sơn cứ vang lên trong tôi
Ngoài trời vẫn cứ mưa…..

Tố Uyên 

***BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM***

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đóng góp nhận xét vào bài viết!

Video

Translate

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *